“Bê tông trần” là bề mặt chất liệu của BTCT được ứng dụng trong công trình với vai trò vật liệu kiến trúc hay vật liệu trang trí. Gọi là “trần” là vì sau khi tháo dỡ ván khuôn, bề mặt bê tông sẽ được để trần, không xử lý tô trát, ốp, lát hay bọc, phủ gì cả. Nhờ vậy, bê tông trần mang nét đẹp riêng từ sự thô ráp và màu xám đặc trưng của xi măng. Chất liệu thực được thể hiện rõ mà không bị che giấu, phù hợp với một số trường phái kiến trúc đương đại.
Đa dạng và biến hóa
Với giá thành rẻ do nguyên liệu dễ khai thác, BTCT đước ứng dụng rộng rãi ở nhiều loại công trình khác nhau, đặc biệt nhờ khả năng tạo hình đa dạng.
Tuy nhiên, không dễ tạo nên bề mặt bê tông trần đẹp. Hệ thống ván khuôn cần đạt chất lượng cao và được tính toán cẩn thận theo mạch ngưng khi thi công. Trong quá trình thi công, chất lượng bê tông phải chuẩn và tay nghề thợ chuyên nghiệp xây nên. Ngoài ra, tất cả các hệ thống kỹ thuật đi ngầm trong bê tông phải được lắp đặt chính xác trước khi tiến hành đổ khuôn vì rất khó thay đổi sau hoàn thiện.
Kiến trúc sư người Nhật Bản Tadao Ando là một trong những bậc thầy yêu thích chất liệu bê tông trần. Nâng đỡ và bổ sung cho nhau đầy quyến rũ, ngôn ngữ kiến trúc của ông hòa hợp với chất liệu này để mang lại những kiệt tác thiết kế.
Những công trình của ông mang lại ấn tượng mạnh với những bức tường bê tông mang màu sắc rất riêng. Đây là chủ ý xuyên suốt của ông khi thiết kế nên các công trình. Đối với ông, những bức tường có sức mạnh phân chia, biến hình và tạo nên các không gian mới mẻ. Là yếu tố cơ bản nhất của kiến trúc, bức tường cũng đồng thời là yếu tố phong phú nhất.
Ngày nay, bê tông trần là một xu hướng vật liệu được nhiều nhà thiết kế trên thế giới theo đuổi. Không chỉ đơn thuần là các bộ phận kiến trúc, bê tông trần còn tham gia vào nội thất dưới dạng bàn ghề, quầy, giá, kệ… làm tăng phần phong phú và cảm xúc cho không gian.
Bê tông trần ở Việt Nam
Từ trước đến nay, bê tông trần vận được quan niệm là “phần thô” trong thi công nên rất ít khi xuất hiện trong công trình. Các cấu trúc bê tông đa phần được trát vữa rồi sơn hoặc ốp lát sau khi hoàn thiện.
Vài năm gần đây, một số kiến trúc sư đã mạnh dạn sử dụng bê tông trần khi thiết kế các công trình dân dụng quy mô nhỏ, tạo nên một trào lưu mới. Dù ứng dụng ở Việt Nam còn một số hạn chế nhưng không thể phủ nhận nét đẹp rất riêng của vật dụng này. Lý giải cho sự ứng dụng hạn chế, ít chủ nhà hay chủ đầu tư thích sự thô mộc này. Song song đó, giá thành cũng bị đẩy lên cao do chi phí hệ thống ván khuôn và nhân công. Tiếp nữa, trình độ thi công và điều kiện thi công ở Việt Nam cũng tạo nhiều khó khăn cho vật liệu bê tông trần.
Đa phần những công trình để bê tông trần ở Việt Nam là đều không chủ động. Tức là sau khi dỡ ván khuôn, gia chủ thấy đẹp nên không trát. Một trường hợp khác là chủ động không hoàn toàn: chủ ý làm bê tông trần, nhưng thấy xấu nên trát lại. Hầu hết chất liệu bê tông trần ở Việt Nam cũng chỉ xuất hiện ở các kết cấu bắt buộc, như cột, dầm, sàn. Hiếm có công trình nào thiết kế tường bê tông với dụng ý để trần bề mặt. Nguyên nhân điều này xuất phát từ cả lý do kinh tế lẫn kỹ thuật lẫn thị hiếu của gia chủ và kiến trúc sư.
Ngoài ra, khi sử dụng bê tông trần thì quy trình thi công, cấu tạo của các các trúc liên quan khác như cửa, lan can, mai… cũng phải đồng bộ hợp lý. Vì lúc đó sẽ rất khó khăn nếu làm theo cách cũ: đục ra rồi trát lại.
Ở Việt Nam, bê tông trần vẫn là mới mẻ. Xu hướng sử dụng loại chất liệu này đang tăng dần theo thời gian và hứa hẹn sẽ đem lại sự đa dạng trong các công trình kiến trúc. Đồng thời, việc này sẽ góp phần nâng cao trình độ kỹ thuật trong cả thiết kế lẫn thi công vật liệu biến hòa này.
CCOIN theo Thời Báo Kinh Doanh